💁♀️💁♀️💁♀️Tiếp theo của bài viết ” Dị ứng đạm bò “ chắc hẳn là phần được quan tâm nhất đó là cách xử trí cho những trẻ bị dị ứng đạm bò, vậy thì ba mẹ lại cùng phòng khám nhi Bé Khỏe Mẹ Vui tìm hiểu tiếp nhé
❌❌❌Cách xử trí với trẻ dị ứng đạm sữa bò:
Nói một cách dễ hiểu là dị ứng với món gì thì phải tránh món đó. Trẻ dị ứng đạm sữa bò phải tránh các thức ăn, thức uống chứa đạm sữa bò.
a, Đối với trẻ dưới 6 tháng:
“Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho con bú cùng với các thực phẩm bổ sung thích hợp cho đến hai tuổi hoặc sau đó nữa.
Đối với trẻ bú mẹ nhưng có triệu chứng dị ứng, bác sĩ nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò, bà mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn chế độ ăn loại bỏ đạm sữa bò (sữa đặc, sữa tươi, phô mai…) có hoặc không kèm theo loại bỏ trứng và đậu nành. Mẹ cần bổ sung calci và vitamin D khi thực hiện chế độ ăn này.
Mẹ cần bổ sung calci D khi con dị ứng đạm bò
Đối với trẻ không may mắn có sữa mẹ, thì lựa chọn là các sản phẩm công thức đạm sữa bò thủy phân hoặc sữa công thức amino acid.
Trên thị trường hiện dễ tìm sữa này của các công ty uy tín như Mead Johnson, Abbott…
Ba mẹ cũng có thể tìm các loại sữa tương tự, trên bao bì có ghi:
“Hypoallergenic formula” (công thức giảm dị ứng), “Extensively hydrolyzed formula” (công thức thủy phân tích cực/thủy phân toàn phần/thủy phân hoàn toàn),
“Amino acid-based formula” (công thức acid amin).
• Lưu ý:
• Sữa thủy phân một phần (trên bao bì sẽ có dòng chữ “Partially hydrolyzed” (thủy phân một phần) hoặc “hydrolyzed”(được thủy phân)) không được khuyến cáo cho trẻ được chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò.
• Khi chế biến thức ăn cho trẻ không được thêm các sản phẩm chứa sữa bò vào
• Không phải tất các trẻ dị ứng đạm sữa bò đều dị ứng thịt bò nhưng cần thận trọng khi cho trẻ ăn thịt bò.
• Trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể dị ứng chéo với đạm sữa của các động vật khác như dê, cừu… hoặc dị ứng đạm đậu nành. Vì vậy, khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, tuyệt đối không tự ý sử dụng sữa này mà cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi – Dinh dưỡng để có được sự tư vấn dinh dưỡng tốt nhất cho bé.
b, Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên:
Ngoài sữa, trẻ cần chế độ ăn bổ sung. Lựa chọn thức ăn bổ sung cũng theo nguyên tắc “dị ứng món gì thì phải tránh món đó”.
Đạm sữa bò thường có sẵn trong các sữa công thức, thức ăn dặm như là: bột ăn dặm, bánh ăn dặm với các tên gọi sữa tươi, sữa bò, sữa bột, váng sữa, sữa chua, milk, đạm whey, whey protein, đạm casein, casein protein, phô mai, cheese, bơ, butter, kem, cream…
Khi chọn thực phẩm cho trẻ, ta phải luôn quan tâm tới thành phần (Ingredients) bằng cách đọc nhãn thực phẩm. Một số thực phẩm không kèm bảng ghi thành phần nhưng thường được thêm sữa hoặc nấu với sữa: Các loại bánh mì ngọt, bánh bông lan, bánh quy, bánh pudding, bánh flan, súp bí đỏ, súp bắp (ngô), súp kem, sô cô la, xúc xích, pate, chè, sinh tố
Trẻ dị ứng đạm bò cần tránh các thực phẩm từ sữa như phô mai
Những điểm chung:
• Như các trẻ bình thường khác, trẻ dị ứng đạm sữa bò cũng cần nhu cầu năng lượng theo tuổi để hoạt động và tăng trưởng.
• Trẻ cũng cần một chế độ ăn cân đối các nhóm chất: bột đường, đạm, béo, xơ, và các vitamin. Nếu trẻ có tình trạng chậm tăng cân suy dinh dưỡng, trẻ cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng về chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm và béo.
• Đối với trẻ gặp khó khăn trong việc sử dụng sữa thay thế vì nhiều lý do (mùi vị sữa, giá tiền, nơi mua) có thể khuyến khích trẻ ăn dặm nhiều hơn, cần được bổ sung calci, vitamin D từ thực phẩm hoặc thuốc bổ.
Nếu ba mẹ thấy con có những dấu hiệu nghi ngờ sau khi uống sựa bò hoặc sản phẩm từ sữa bò, thì nhanh chóng đưa trẻ đến những cơ sở uy tín để khám và chuẩn đoán chính xác. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm để có kết quả giúp điều trị phù hợp và được hướng dẫn chăm sóc, chế độ ăn giúp trẻ tránh tái phát