Thủy đậu hoành hành tháng 2- Ba mẹ nhớ lưu ý

Cẩn thận với bệnh thuỷ đậu ở trẻ em vào tháng 2. Cứ mỗi năm vào khoảng tầm tháng 2, thủy đậu trở thành mối lo của các bố mẹ có con nhỏ, đặc biệt là bé từ 1 – 13 tuổi, vì đây là thời điểm dịch thủy đậu xảy ra. Có đến 90% trẻ em mắc bệnh trong giai đoạn 1- 10 tuổi. Đây là căn bệnh truyền nhiễm mà bé rất khó tránh khỏi nếu chưa được chủng ngừa bằng vắc- xin. Nguy hiểm và dễ lây lan nhưng không ít bố mẹ vẫn cho rằng thủy đậu là bệnh nhẹ, nên chủ quan và không chú ý đến việc phòng ngừa.

1/ Những nguy hiểm của bệnh thuỷ đậu:

Bệnh biểu hiện qua các ban sần – mụn nước gây khó chịu và ngứa toàn thân, kèm theo sốt. Bé thường gãi móng tay vào mụn nước khiến chúng vỡ ra gây nhiễm trùng, do đó, lẽ ra con siêu vi trùng này chỉ gây tổn thương nông ở bề mặt da, nay bị các vi khuẩn làm tổn thương sâu da bé, khi lành bệnh tạo thành những sẹo. Lúc ấy, con bé sẽ mất tự tin khi lớn lên, đặc biệt là bé gái.

Viêm não do thủy đậu là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh này, xảy ra ở những bé suy dinh dưỡng, đề kháng kém. Vi-rút chẳng thèm ở ngoài lớp da bên ngoài, mà chạy thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như thận, não, gan… gây tình trạng sốt dao động, bé li bì, quờ quạng tay chân, có thể co giật. Những trường hợp này nếu tích cực hồi sức, chữa trị khỏi thì cũng để lại di chứng thần kinh như: điếc, động kinh, trí tuệ chậm phát triển. Một biến chứng khác không kém phần nguy hiểm là bị viêm phổi do thủy đậu.

Nếu bé sốt cao, ho nhiều thì coi chừng. Một con siêu vi tưởng như chỉ hoành hành ngoài da rồi hô biến nhưng chúng vẫn không từ bỏ cơ hội để chui vào trong cơ thể của bé mà gây hại, để lại di chứng cay đắng suốt cuộc đời.

2/ Nguyên nhân và những biểu hiện của bệnh thuỷ đậu:

Thủy đậu là căn bệnh do virus gây ra và có nguy cơ lây nhiễm rất nhanh từ người này sang người khác. Bệnh thủy đậu có thể gặp ở tất cả mọi người nhưng thường là ở các bé nhỏ, và bệnh nặng nhất ở người lớn tuổi và bé nhỏ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch yếu. Bệnh xảy ra nhiều nhất ở mùa đông xuân và lây chủ yếu qua đường hô hấp, tiếp xúc, với các bé nhỏ có khả năng người lớn là trung gian lây bệnh cho bé.

Bệnh lây lan qua việc tiếp xúc với chất dịch của người bệnh qua da, quần áo, hay lây lan bệnh qua việc tiếp xúc với nước bọt của người bệnh qua đường không khí khi giao tiếp nói chuyện với người bệnh thủy đậu.

Kể từ khi bị nhiễm virus gây bệnh thủy đậu cho đến khi bệnh bắt đầu có triệu chứng biểu hiện trên cơ thể trung bình là 14 ngày (có thể sớm hoặc trễ hơn tuỳ theo hệ miễn dịch khoẻ hay yếu). Khi bệnh thủy đậu mới phát sinh, trên cơ thể bé sẽ nổi những mụn nước có màu hồng nhạt ở các bộ phận như mặt, chân, tay, và nhanh chóng lan ra trên toàn thân trong vòng 24 giờ. Bên cạnh đó, bé sẽ bị sốt nhẹ từ 37-38 độ.

Vì thế khi thấy bé có các bé bị thủy đậu, với các biểu hiện: Sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu, nổi hồng ban sau đó nhanh chóng chuyển thành bóng nước, lúc đầu chứa dịch trong sau hóa đục, xuất hiện ở thân mình, đầu mặt, tay chân, niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục,… Bố mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị phù hợp.

3/ Phòng và lưu ý khi chăm sóc bé bị thuỷ đậu:

Do bệnh rất dễ lây qua tiếp xúc nên cần cách ly bé với những người khác chưa có miễn dịch. Tốt nhất là cho bé nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây lan. Tất cả đồ dùng cá nhân của bé như bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng,… phải dùng riêng.

Ngoài việc cách ly, vệ sinh và chăm sóc cẩn thận cho bé khi bé bệnh, chủng ngừa vắc-xin là chính là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ bé và cả người lớn tránh khỏi thủy đậu. Tốt nhất là thực hiện tiêm ngừa cho bé trước mùa trước khi mùa bệnh xảy ra. Nếu bé chưa được chuẩn ngừa thì đây là thời điểm tốt để thực hiện tiêm phòng thuỷ đậu cho bé, mẹ hãy đưa bé đến các bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng để chủng ngừa trước khi mùa dịch bắt đầu:

– Chủng ngừa 2 liều vắc-xin cho cả trẻ em và người lớn để bảo vệ tối ưu nhất.

– Vắc-xin có thể áp dụng cho các bé từ 12 tháng trở lên, thanh thiếu niên và người lớn chưa nhiễm bệnh. Phụ nữ có thai thì không chích ngừa vắc-xin này, và chỉ nên có thai tốt nhất là 3 tháng sau khi chủng ngừa.

Quan niệm khi bị thủy đậu phải kiêng nước, không được tắm cho bé là sai lầm. Khi bị thuỷ đậu, nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da. Khi lên những nốt đỏ, gây ngứa, bé hay gãi làm nốt đậu bị vỡ, trầy xước da tại điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây bội nhiễm da, thậm chí gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… có thể dẫn đến tử vong.

Do đó cần giữ vệ sinh cho bé bằng cách: Dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho bé, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo cho bé. Chú ý giữ vệ sinh nhà cửa, giường chiếu, phòng bé nằm phải thoáng mát, không có gió lùa. Nhắc bé không gãi các nốt thủy đậu. Cần cho bé ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, chỉ sau khoảng 1 tuần – 10 ngày, các nốt thủy đậu sẽ khô và bong vảy, sau một thời gian vết thâm sẽ hết và không để lại sẹo.

Lưu ý: Trong quá trình điều trị và chăm bé vẫn cần chú ý theo dõi kỹ tình trạng của bé. Nếu thấy bé có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt hoặc đã hạ sốt nhưng đột nhiên sốt cao trở lại, hoặc các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageChange Image