CAI TI ĐÊM – VÌ SỨC KHỎE CẢ MẸ VÀ CON

Giấc ngủ là tiền đề quan trọng cho con phát triển trí não, thể chất và tinh thần. Một giấc ngủ đêm liền mạch và dài còn quý hơn mấy bữa sữa đầy. Có bé ăn ít ngủ nhiều vẫn có thể lớn nhanh và trưởng thành vượt bậc vể mặt suy nghĩ. Để giúp bé ngủ giấc đêm dài thì ban ngay bé cần NGỦ ĐỦ.

– Độ tuổi có thể cai ti đêm: Theo khuyến cáo chung của các chuyên gia khoa nhi, trẻ từ 4 – 6 tháng tuổi đã có đủ lượng calo trong cơ thể để ngủ ngon giấc suốt đêm nên các bậc phụ huynh có thể cai sữa đêm cho trẻ từ thời điểm này.

– Khi bé mọc răng và có hiện tượng sâu, nứt vỡ các mảng, ố sỉn sang màu vàng. Do trong sữa mẹ vẫn có 1 chút đường. Nên rất dễ ảnh hưởng đến răng của bé khi mới mọc và bé chưa vệ sinh răng miệng sau khi bú được.

Nguyên tắc cai ti đêm cho bé, mẹ cần nắm rõ:

– Cai từ từ và dần dần:
Mẹ sẽ giảm dần các cữ bú sữa vào ban đêm. Cố gắng kéo dài khoảng thời gian giữa các lần ti để bé quen với việc ngủ dài hơn vào buổi đêm. Sau khoảng 1 tuần, bé có thể quen với việc ăn ít hơn vào buổi đêm, nếu bé vẫn tỉnh giấc đó chỉ là thói quen được duy trì trước đó, hãy vỗ về và an ủi để bé ngủ lại.

– Tăng lượng các cữ sữa, hay bữa ăn trong ngày
Để bé ngủ ngon giấc vào ban đêm mẹ nên đảm bảo việc cho bé ti hoặc ăn đủ lượng thức ăn mà bé cần trong ngày. Chú ý cho bé ăn thêm bữa phụ vào buổi tối trước lúc con ngủ. Bên cạnh đó mẹ cũng cố gắng đừng đánh thức con khiến giấc ngủ của bé bị gián đoạn.

– Tránh cai sữa đêm vào giai đoạn nhạy cảm
Đó là các thời điểm: bạn đang chuẩn bị trở lại làm việc, bé đang ở giai đoạn sốt mọc răng hoặc mắc các bệnh thông thường khác, con đang “khó ở” vì wonder weeks … Mẹ hãy cho bé thêm chút thời gian vì đây không phải là thời điểm tốt nhất để bé cai sữa đêm cho bé.

– Nhờ chồng chăm con giúp
Khi bé tỉnh dậy vào buổi đêm, mùi quen thuộc của mẹ hoặc sữa mẹ có thể khiến bé muốn bú. Vì vậy bạn hãy nhờ sự giúp đỡ của chồng để bé không quá quấy khóc và dễ ngủ trở lại hơn.

🤷‍♀️🤷‍♀️ Các phương pháp cai ti đêm, mẹ nên áp dụng!

✅ Phương pháp 1: Trì hoãn cữ bú: Khi bé đòi bú, mẹ trì hoãn chưa cho bé bú vội, thời gian tăng dần theo từng đêm

🌙 Đêm đầu tiên: Khi thấy bé có đòi bú, mẹ đợi khoảng 5-10 phút (thời gian lâu hơn với các bé biết tự ngủ) rồi vào hỗ trợ bé ngủ lại (mà không cho bú) trong vòng 20 phút. Sau 20 phút này, nếu bé vẫn khó chịu mà không ngủ lại, mẹ cho bé bú, làm như thế ở các cữ tiếp theo.

🌙 Đêm thứ hai: cữ 1 – trì hoãn 30-50 phút.
🌙 Đêm thứ ba: cữ 1 – trì hoãn 50-70 phút.
🌙 Đêm thứ tư: cữ 1 – trì hoãn 70-90 phút. Lúc này cữ thứ 1 và thứ 2 sẽ chập làm một.

Như vậy, sau khoảng 4-5 đêm thì số cữ ăn đêm sẽ giảm đi và mẹ tiếp tục tiến hành trì hoãn cữ bú trong các đêm tiếp theo, cho đến khi bé không còn bú đêm nữa. Nếu bé bú bình, song song với việc trì hoãn cữ bú thì mẹ giảm lượng sữa ở mỗi cữ đi 30ml ở mỗi đêm. Mẹ có thể tăng hoặc giảm thời gian trì hoãn cữ bú tùy thuốc vào biểu hiện của bé và sự quyết liệt của mẹ. Bé có thể vẫn khóc khi cai ti đêm theo cách này,và chát lượng giấc ngủ ban đêm có thể bị ảnh hưởng, nhưng sau khoảng 5-7 ngày bé sẽ quen và dần cai được bú đêm.


✅ Phương pháp 2: Cắt dần từng cữ: Mẹ cắt cữ muộn nhất trước rồi chuyển dần sang các cữ còn lại.

Mẹ cắt cữ muộn nhất trong đêm trước, ví dụ là cữ lúc 4h sáng. Khi bé tỉnh, thay vì cho bé bú, mẹ vỗ/ cho ti giả/ bế/ để yên cho bé ngủ lại và cho bé bắt đầu ngày mới lúc 6h sáng, cho bé bú vào lúc đó là cữ đầu tiên của ngày. Nếu không muốn trực tiếp cắt luôn, mẹ có thể trì hoãn cữ này giống như ở phương pháp 1. Tức là nếu 4h bé dậy đòi bú, thì 4h20 mẹ mới cho bé bú, cứ thế cho đến giờ bé thức dậy buổi sáng và bú cữ đầu tiên của ngày. Nếu kết hợp với trì hoãn cữ bú thì mẹ cần xác định là ban ngày bé sẽ khó mà ăn tốt được, đặt biệt ở cữ đầu ngày vì khoảng cách các cữ bú quá gần nhau

Sau khi cắt được cữ này, thì ba đêm sau mẹ chuyển sang cắt cữ muộn thứ hai trong đêm và tiếp tục cho đến khi được hết tất cả các cữ, có thể kết hợp với cách trì hoãn cữ bú.

Phương pháp 3: Cắt hết tất cả các cữ: Mẹ hoàn toàn không cho bé bú vào ban đêm nữa, khi bé đòi bú, bạn cho bé dùng ti giả, hoặc vỗ, hoặc ru bé.

Những ngày đầu tiên khi cắt hết các cữ, bé sẽ khóc rất nhiều và trằn trọc cả đêm, nếu bé dậy sớm hơn so với giờ dậy bình thường thì cho bé ăn ngay từ lúc đấy. Với cách làm này, bé sẽ khóc nhiều, dữ dội hơn, ngủ được ít hơn nhưng thời gian cai ti đêm sẽ được rút ngắn đi rất nhiều.

Bé sơ sinh nếu có cân nặng từ 6kg trở lên đã có thể cắt ăn đêm nếu ban ngày bé bú kém dẫn đến ăn vặt, ngủ vặt. Thông thường thời gian lý tưởng để cai bú đêm cho bé là khoảng từ 12-26 tuần và thời điểm muộn nhất để em bé còn bú đêm là 1 tuổi. Sau thời điểm một tuổi, rất ít em bé con bú đêm, đặc biệt là các em bé bú sữa công thức thì nên cai càng sớm càng tốt cho sức khỏe răng lợi của bé.

Công cuộc cai ti đêm có thể sẽ khiến bé khóc quấy và mẹ căng thẳng, mami hãy cố gắng cùng con vượt qua nhé. Chúc “chiến dịch cai ti đêm” sẽ sớm thành công và mang lại cho cả nhà những giấc ngủ đêm chất lượng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageChange Image