Khi gặp vấn đề, có không ít bạn nhỏ chọn cách im lặng, không dám tâm sự với ba mẹ để nhờ ba mẹ tìm hướng giải quyết. Dần dần, con trẻ có thể tổn thương, sống khép kín; ba mẹ cũng sẽ không hiểu được con. Điều này có thể đẩy con ra xa ba mẹ. Để con có thể gần gũi với ba mẹ hơn, cũng như ba mẹ có thể tiếp cận kịp thời những vấn đề con gặp phải, ba mẹ cần dạy con biết nói lên suy nghĩ của mình. Vậy, chúng ta nên dạy con như thế nào?
Con trẻ ít tâm sự, chưa biết cách nói ra suy nghĩ của mình, nguyên nhân phần lớn là xuất phát từ ba mẹ
Bạn có thường gắt giọng với con, hối thúc con kiểu “Con muốn cái gì nói nhanh lên”, “Con muốn cái gì phải nói ra”, “Sao con suốt ngày ấp a ấp úng thế?”,… không?
Người lớn chúng ta vẫn thường không đủ kiên nhẫn với con trẻ như thế. Tuy nhiên, bạn có biết, con trẻ như tờ giấy trắng, mọi kỹ năng sống đều không thể tự nhiên hình thành, mà ba mẹ cần phải dạy. Và kỹ năng biết nói ra suy nghĩ của mình cũng không ngoại lệ. Nếu ba mẹ không kiên nhẫn lắng nghe và khéo léo gợi mở, cũng như tinh tế hiểu ý của con; ngược lại còn gắt gỏng, hối thúc con sẽ khiến trẻ trở nên e ngại, rụt rè, nhút nhát hơn, và rất khó khăn để nói ra suy nghĩ, cảm xúc của mình. Điều này nếu diễn ra trong khoảng thời gian dài sẽ có thể khiến con trở nên sống khép kín, dè dặt, kém tự tin, không dám nói ra suy nghĩ, thiếu chính kiến, dễ thỏa hiệp khi lớn lên đó ba mẹ à.
Ba mẹ cần nghiêm túc dạy con biết nói ra suy nghĩ, mong muốn của mình
Mọi kết quả tích cực đều xuất phát từ những việc làm nhỏ bé. Để con trẻ thoải mái nói ra mong muốn, suy nghĩ của mình, trước hết, ba mẹ cần tạo cho con cảm giác an toàn, thoải mái, gần gũi với ba mẹ. Những khi trò chuyện cùng con, ba mẹ cần khuyến khích con nói, lắng nghe con với thái độ chăm chú, với những cử chỉ thể hiện sự đồng tình, thấu hiểu như gật đầu, nhìn trực diện con với ánh mắt trìu mến, nắm tay con, ôm ấp con vào lòng…
Khi con nói, ba mẹ không nên vì sốt ruột với sự ấp úng, diễn đạt dài dòng của con mà chen ngang, ngắt lời, mà nên để con được trình bày hết mong muốn của mình, sau đó chỗ nào sai thì uốn nắn khéo léo để con sửa đổi, học theo. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng con, dạy con biết cách tôn trọng người khác, mà con rèn luyện kỹ năng tư duy, diễn đạt cho con.
Ba mẹ cũng nên cho con cơ hội được phản biện khi con thấy bất hợp lý, đó cũng là suy nghĩ của riêng con. Đừng áp đặt con phải theo ý ba mẹ, con không nghe lời đừng gắn mác con “bướng”, con không thích chào người lạ đừng gắn mác con “hư”…
Đặc biệt, ba mẹ cần làm gương cho con học theo nhé. Có thể thường xuyên nói về suy nghĩ, cảm xúc của mình với con, kể cho con nghe những câu chuyện trong quá khứ của ba mẹ, những suy nghĩ lúc đó của ba mẹ… Và không quên luôn luôn động viên con có chuyện gì hãy cứ nói ra, ba mẹ luôn bên con!
Con trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm, thấu hiểu của ba mẹ, từ đó tự tin hơn, biết cách nói ra mỗi khi có vấn đề. Đây là nền tảng để con có thể chia sẻ mọi chuyện với ba mẹ, kể cả khi con đã lớn khôn, nền tảng để con trở thành một người có chính kiến, độc lập, thành công trong tương lai.