Dị ứng sữa hay còn gọi là dị ứng đạm sữa được xếp trong nhóm dị ứng thức ăn, chủ yếu xảy ra ở các bé dưới một tuổi khi bắt đầu bú sữa bột. Một số phản ứng phản vệ khi bé bị dị ứng đạm sữa bò có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bé, vì thế mẹ cần nhận biết kịp thời các biểu hiện của dị ứng sữa để xử trí kịp thời. Và mẹ nên làm gì để chăm sóc và phòng ngừa dị ứng sữa cho bé?
1/ Dấu hiệu nhận biết bé bị dị ứng đạm sữa bò (DƯĐSB) :
Thông thường bé DƯĐSB sẽ có biểu hiện ngay sau khi uống sữa bò từ vài phút tới 2 giờ. Trường hợp chậm nhất thì sau khi uống sữa bò 48 giờ tới 1 tuần. Phần lớn các các bé khi bị dị ứng sữa bò sẽ có các triệu chứng chung như:
• Thể dị ứng nhanh: Đau quặn bụng thường xuyên (quấy khóc > 3 giờ mỗi ngày). Cảm thấy bứt rứt, khó chịu, quấy khóc nhiều hơn bình thường. Có thể bị từ 1 đến nhiều các triệu chứng, bao gồm: Viêm da dị ứng; Sưng môi hoặc mi mắt (phù mạch); Mề đay (không liên quan nhiễm trùng/thuốc); nôn ói, tiêu chảy, táo bón (có hoặc không phát ban); phân có máu và gây nên tình trạng thiếu máu, thiếu sắt; Chảy nước mũi (viêm tai giữa); Ho mạn tính; Thở khò khè (không liên quan nhiễm trùng đường hô hấp) …
• Thể dị ứng chậm: Một số bé có phản ứng dị ứng chậm dễ và kéo dài như nôn trớ, tiêu chảy kéo dài, táo bón, thiếu máu thiếu sắt, suy dinh dưỡng lâm sàng…khiến mẹ không biết được bé bị DƯĐSB và dễ bị nhầm lẫn với bệnh bất dung nạp Lactose (không hấp thu được đường lactose có trong sữa). Vì thế, mẹ cần chú ý, nếu bé có các triệu chứng rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy, đầy bụng khó tiêu…) kèm theo phát ban, chàm hay khó thở và có thể đi tiêu ra máu (ít) thì đó chính là dấu hiệu của DƯĐSB.
Sau khi chuyển cho con từ bú mẹ sang bú sữa ngoài mà thấy một trong những triệu chứng như trên mẹ cần cho bé đi khám ngay. Các bác sĩ sẽ cho bé làm xét nghiệm phân, xét nghiệm IgE đặc hiệu (ELISA) và thử dị ứng trên da để có chẩn đoán chính xác. Đừng nên để lâu vì dị ứng sữa bò sẽ dễ gây ra nhiều tai biến nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho bé.
2/ Điều trị dị ứng sữa bò cho bé:
Phải ngưng việc cho bé uống sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò (sữa chua, phô mai…) cho bé chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế như sữa đậu nành, sữa thuỷ phân (đạm trong sữa đã được phá huỷ, chia nhỏ ra cho bé dễ hấp thu và tiêu hoá, ngăn các tác nhân gây dị ứng).
Nhiều trường hợp, sau khi mẹ đã cho bé chuyển sang sử dụng sữa đậu nành nhưng triệu chứng dị ứng vẫn không hết thì có khả năng cao là bé đồng thời cũng bị dị ứng với thành phần protein có trong sữa đậu nành. Lúc này, mẹ cũng cần loại bỏ sữa đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành (đậu hủ, tàu phớ…) ra khỏi bữa ăn của con.
Nếu điều kiện tài chính không cho phép mẹ sử dụng sữa thuỷ phân thường xuyên cho bé (vì giá thành cao) thì có thể cho con sử dụng các sản phẩm thay thế như: Sữa gạo, sữa hạnh nhân, và các sản phẩm ghi ngoài nhãn là Non-dairy hay Pareve ( đối với các chế phẩm như: kem, chocolate, pho mát, sữa chua)…Thông thường, dị ứng đạm sữa bò xảy ra khi bé được 4-6 tháng (tức là giai đoạn dứt sữa mẹ) thì mẹ cũng bắt đầu có thể tập cho bé ăn dặm để bổ sung thêm nhiều nguồn dinh dưỡng cho con để bé không bị phụ thuộc quá nhiều vào sữa.
Thời gian mẹ giữ bé tránh xa các sản phẩm từ sữa bò ít nhất phải là 2 tháng, cũng có khi phải kéo dài đến 12 tháng. Sau thời gian này, mẹ cần cho bé dùng lại sữa bò để xem bé có dung nạp được hay chưa. Nếu vẫn còn dị ứng thì lại dùng tiếp sản phẩm thay thế và cứ mỗi 3-6 tháng lại cho bé dùng lại sữa bò để kiểm tra vấn đề dung nạp.
Thông thường, các bé có biểu hiện thể dị ứng chậm sẽ có khả năng dung nạp được sữa bò sớm hơn là các bé có biểu hiện thể dị ứng nhanh.
Ngoài ra, một số trường hợp phải dùng thuốc thì bố mẹ cần tuân theo toa bác sĩ kê, không được tự ý mua và cho bé dùng thuốc vì sẽ khiến tình trạng nặng hơn. Các thuốc thường được dùng trong điều trị là: Cromolyn, Antihistamin, Ketotifen, Corticosteroid và các thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin. Epinephrine được sử dụng trong trường hợp bị phản ứng phản vệ cấp tính.
3/ Chăm sóc khi bé bị DƯĐSB:
Luôn luôn phải kiểm tra thành phần ghi trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng. Ngay cả với những sản phẩm đã dùng quen thì mẹ vẫn nên đọc lại vì nhà sản xuất có thể thay đổi thành phần của sản phẩm.
Cần báo cho những người chăm sóc con như người trông bé, cô giáo, ông bà… về tình trạng dị ứng của bé để họ tránh cho bé sử dụng sữa hay những sản phẩm có chứa sữa. Phải ghi rõ tiền sử dị ứng của con trong những hồ sơ liên quan (nhập học, hồ sơ y tế, sổ khám bệnh định kỳ – nếu có…).
Hỏi bác sĩ về các loại thuốc chống dị ứng cấp có thể dùng ở nhà, phòng trường hợp bé vô tình ăn phải thực phẩm có chứa sữa và bị dị ứng cấp thì mẹ có thể xử trí kịp thời trước khi đưa bé đến bác sĩ.
Nếu trường hợp bé bị phản ứng phản vệ cấp (co giật, nôn ói, nổi mẫn đỏ…) thì cần phải nhanh chóng đưa bé đi bệnh viện ngay.
Mẹ nên cho bé bú mẹ hoàn toàn đến bốn tháng tuổi và cố gắng không bỏ bú mẹ trước sáu tháng tuổi sẽ giúp bé giảm nguy cơ dị ứng đạm sữa nói riêng, các bệnh liên quan đến dị ứng như hen, chàm… nói chung.
Chúc bé khoẻ mẹ vui