Dị ứng sữa bò ngày càng gia tăng và phổ biến đối với trẻ em, triệu chứng phức tạp và đa dạng do phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với protein có trong sữa bò. Phần này bác sĩ Âu Nguyễn Tiến Phát của phòng khám nhi Bé Khỏe Mẹ Vui sẽ giới thiệu một số khái niệm cơ bản và cách nhận biết trẻ có những dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò. Ba mẹ cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé
1. Dị ứng đạm sữa bò là gì?
• Hiện tượng dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất đối với trẻ em, đặt biệt là trẻ sơ sinh, do hệ miễn dịch của trẻ nhạy cảm quá mức với đạm có trong sữa bò và những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò, vì sữa bò là loại thực phẩm có chứa đạm lạ đầu tiên mà nhóm trẻ này phải hấp thụ với một lượng lớn, nhất là những trẻ đã từng uống sữa bột trước đó.
• Khi trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh mắc phải tình trạng dị ứng đạm sữa bò, hệ miễn dịch của trẻ sẽ nhận diện sai lầm đạm trong sữa bò là một chất có hại và sẽ có phản ứng lại với những chất đạm này, gây ra những dấu hiệu bé bị dị ứng đạm sữa bò.
• Dị ứng đạm sữa bò chưa được xác định rõ nguyên nhân chính xác và có thể tiến triển không do một nguyên nhân cụ thể nào – thường xuất hiện trong 3 năm đầu đời của trẻ. Dị ứng có xu hướng di truyền, vì vậy trẻ sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng đạm sữa bò nếu ba mẹ của trẻ bị dị ứng phấn hoa/bụi cỏ (dị ứng theo mùa), chàm hoặc dị ứng thực phẩm.
Trẻ chàm da có nguy cơ cao dị ứng đạm sữa bò
2. Nguyên nhân trẻ dị ứng đạm sữa bò
Như đã nói ở trên, tình trạng dị ứng đạm sữa bò xảy ra khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ cho rằng các thành phần protein trong sữa bò là có hại cho cơ thể, khiến cơ thể tự động sản xuất ra các kháng thể miễn dịch IgE làm trung hòa các protein (chất gây dị ứng) này. Có 2 loại protein chính trong sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng:
• Casein: có trong phần rắn của sữa đông vón lại
• Whey: có trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại
Ở những lần tiếp xúc với đạm sữa bò tiếp theo, kháng thể IgE trong cơ thể trẻ nhận ra chúng và báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây dị ứng khác, dẫn tới một loạt các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng ở trẻ như chảy nước mũi, ngứa mắt, khô họng, nổi mề đay phát ban, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí sốc phản vệ…
3. Cách nhận biết trẻ dị ứng đạm sữa bò?
• Sau khi trẻ uống sữa bò, những triệu chứng của dị ứng đạm sữa bò có thể xuất hiện trong vòng 2 giờ hoặc sau 48h hoặc trễ hơn.
• Trẻ dị ứng với đạm sữa bò có thể có phản ứng với đạm có trong sữa theo nhiều hình thức khác nhau, biểu hiện một hay nhiều triệu chứng, có thể ảnh hưởng lên da, lên hệ hô hấp và hệ tiêu hóa của trẻ. Hơn nữa, mức độ nặng hay nhẹ khác nhau tùy vào bệnh và thời điểm.
Triệu chứng tức thời bao gồm:
• Khó thở
• Sưng môi, lưỡi và mặt
• Phát ban, mề đay, mẫn đỏ hoặc ngứa
• Chàm là biểu hiện tình trạng viêm da dị ứng
• Nôn ói sau khi bú sữa
• Tiêu chảy
Triệu chứng muộn bao gồm:
• Chàm, ngứa hay mẫn đỏ
• Sổ mũi, ho kéo dài hoặc thở khò khè
• Đau quặn bụng kèm khóc nhiều
• Trào ngược/ nôn ói
• Táo bón
• Tiêu nhiều lần hoặc tiêu phân lỏng có máu
• Tiêu ra máu
Những triệu chứng này có thể làm trẻ thức giấc và quấy khóc cả đêm, mệt mỏi lúc ăn, khiến trẻ châm tăng cân. Trường hợp bé bú mẹ bị dị ứng đạm sữa bò sẽ có biểu hiện như đau bụng, chàm bội nhiễm. Tuy nhiên, những triệu chứng trên cũng có thể xuất hiện đối với những bệnh lý khác chứ không chỉ gặp riêng đối với dị ứng đạm sữa bò nên phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi có dâu hiệu bất thường để được chẩn đoán chính xác.
Trẻ hay nôn ói do dị ứng đạm sữa bò
4. Các biện pháp chẩn đoán
Các bác sĩ thường chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò dựa trên các triệu chứng lâm sàng cùng việc thu thập tiền sử và được xác định khi thực hiện các xét nghiệm dị ứng.
Khai thác tiền sử bệnh lý và thăm khám thể chất:
Tiền sử bệnh lý gia đình cần được khai thác vì dị ứng thường mang tính chất di truyền. Bên cạnh đó, các thông tin như: tiền sử bản thân trẻ, loại sữa trẻ đang dùng, thời điểm xuất hiện các triệu chứng, các dạng triệu chứng và các yếu tố khởi phát…đều là các thông tin quan trọng cho việc chẩn đoán cùng với việc thăm khám thể chất trên da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp vì đây là các cơ quan thường chịu ảnh hưởng rõ nét của dị ứng đạm sữa bò.
Xét nghiệm dị ứng: Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm dị ứng như:
• Test lẩy da (Skin prick Test)
• Định lượng IgE đặc hiệu với các protein sữa bò (RAST)
• Test loại trừ: để trẻ kiêng sữa trong 2-4 tuần
• Test thử đạm sữa bò đường miệng (Oral Food Challenge – OFC)
Bs Âu Nguyễn Tiến Phát
💁♀️💁♀️💁♀️Phần sau chúng ta sẽ tìm hiểu cách xử trí cho trẻ dị ứng đạm bò, ba mẹ nhớ theo dõi phần tiếp theo nhé .