Ở Việt Nam thường gặp các loại giun đường ruột như: giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris trichiura) và giun móc (Ancylostoma duodenale/Necator americanus).
Đối tượng thường hay bị nhiễm giun là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non, đặc biệt ở một số nơi trẻ em từ 12 đến 24 tháng tuổi đã có thể bị nhiễm giun.
Người bị nhiễm giun là do ăn phải trứng giun có trong thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc qua bàn tay bẩn, hoặc ấu trùng giun xâm nhập qua da.
Tác hại: rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, gầy yếu, chậm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về trí tuệ và tinh thần, làm giảm khả năng lao động, gây ra các biến chứng tắc ruột, giun chui vào ruột thừa gây viêm, giun chui ống mật, có thể gây tử vong.
Cách sử dụng thuốc sổ giun: 2 loại thuốc sổ thường được dùng là FUGACAR (Mebendazole) và ZENTEL(Albendazole)
1. Liều lượng:
– Trẻ em từ 12 tháng-<24 tháng tuổi: Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg 1 liều duy nhất.
– Từ 24 tháng tuổi trở lên: Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg 1 liều duy nhất.
– Với một số loại giun, với bệnh nhân cụ thể, bác sĩ có thể cho dùng nhắc lại sau 1 tháng.
2. Cách dùng:
– Thuốc uống vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, sau khi ăn
– Trẻ nhỏ phải nghiền thuốc pha với nước uống
– Nên nhai thuốc tẩy giun và uống với nước
Trả lời một số thắc mắc quanh việc sổ giun cho trẻ:
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có thể sổ giun không?
Trẻ em dưới 2 tuổi vẫn có thể sổ giun được nhé. Vì trên hộp Fugacar (Mebendazole) ghi là không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi nhưng từ 2018 Bộ Y tế đã cập nhật cho phép dùng (như đã nêu trên). Tuy nhiên để khỏi băn khoăn phụ huynh có thể dùng Zentel (Albendazole) cho trẻ dưới 2 tuổi với liều bằng 1/2 trẻ lớn (200mg/lần # 1 viên). Như vậy sẽ yên tâm!
Nên uống thuốc lúc nào? Lúc bụng đói hay sau khi ăn?
Dùng lúc nào trong ngày đều được, nhưng uống sau khi ăn. Không cần phải nhịn ăn khi uống thuốc sổ giun.
Khi nào thì nên sổ giun?
Khi có bằng chứng rõ ràng bị nhiễm giun (đi tiêu có giun, xét nghiệm cho thấy bị nhiễm giun hoặc bị các biến chứng do giun,…)
Sổ giun định kỳ: tuỳ theo tình hình nhiễm giun của địa phương mà tần suất có thể khác nhau. Tuy nhiên do trẻ em là đối tượng nguy cơ cao bị nhiễm giun phụ huynh có thể tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng cho trẻ.
Tác dụng phụ là gì? Một số tác dụng phụ nhẹ thường gặp như: Đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi.
TS.BS Lê Bích Liên ( dựa theo Quyết định 6437/QĐ-BYT, ngày 15/ 10/2018 )