Lý do tại sao bs Thanh hay dặn ba mẹ dự phòng thuốc để xông cho con vào ban đêm. Một bài viết của giải phẫu- sinh lý giải thích cho hiện tượng này
1, Định nghĩa:
Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến có thắt lan tỏa cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản
Trong hen phế quản có sự xuất hiện của nhiều bạch cầu ái toan ở lớp dưới niêm mạc của các tiểu phế quản. Các tế bào này chưa đầy: histamine, prostagladine, leukotrient… Khi các bạch cầu này nhận thấy sự xuất hiện của các tác nhân môi trường như khói thuốc, bụi… chúng sẽ vỡ ra và giải phóng các chất bên trong tế bào dẫn đến sự phá hủy các mô xung quanh gây ra phản ứng viêm
Hệ quả của quá trình này là sự co thắt cơ trơn ở tiểu phế quản và sự tăng tiết nhầy vào bên trong lòng phế quản gây ra cơn khó thở ở bệnh nhân bị hen phế quản
2, Vì sao cơn hen phế quản thường xảy ra về đêm?
a, Do ban đêm nhiệt độ môi trường giảm
Cơ trơn phế quản cũng chịu ảnh hưởng từ nhiệt độ của cơ thể. Khi thân nhiệt cao, cơ trơn phế quản có xu hướng giãn ra, và ngược lại
Vào ban đêm, nhiệt độ môi trường giảm xuống -> cơ thể mất đi một lượng nhiệt đi ra ngoài môi trường -> thân nhiệt giảm -> cơ trơn phế quản dễ co thắt hơn -> dễ rơi vào cơn hen phế quản
b, Do giảm nồng độ cortisol
Cortisol là một hormon vỏ thượng thận, có tác dụng kháng viêm (Cơ chế kháng viêm của cortisol đã được page trình bày trong một bài trước đó) giúp giảm tình trạng viêm của phế quản. Nồng độ cortisol được vỏ thượng thận tiết ra không đều trong ngày, thường được tiết ra nhiều nhất vào khoảng 8-9 giờ sáng và giảm dần khi về chiều, đến giữa đêm thì lượng cortisol tiết ra gần như bằng 0.
Chính vì về đêm cortisol được tiết ra rất ít nên khả năng kháng viêm ở các tiểu phế quản giảm đi -> dễ rơi vào cơn hen phế quản
c, Do hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh vào ban đêm
Giống như nhiều bộ phận khác của cơ thể, cơ trơn phế quản cũng chịu sự chi phối của cả hệ giao cảm và phó giao cảm. Vào ban ngày, khi cơ thể hoạt động nhiều -> hệ giao cảm chiếm ưu thế hơn so với phó giao cảm -> giãn cơ trơn tiểu phế quản. Tuy nhiên, vào buổi tối hệ phó giao cảm lại hoạt động mạnh mẽ hơn -> co thắt cơ trơn tiểu phế quản -> dễ rơi vào cơn hen phế quản